Tại hội nghị quốc tế về Ebola mới đây, người đứng đầu cơ quan chống dịch của Liên Hợp Quốc cảnh báo virus có nguy cơ biến thể và lây qua không khí càng cao nếu dịch tiếp tục kéo dài. Ông Anthony Banbury, Tổng thư ký cơ quan phụ trách chống Ebola đặc biệt nhấn mạnh việc căn bệnh chết người lan truyền bằng đường hô hấp là viễn cảnh khủng khiếp nhưng không thể loại bỏ.
“Càng có nhiều thời gian lây truyền trên vật chủ người tại vùng dịch, tức Tây Phi hiện nay, khả năng biến thể của virus càng cao”, ông Anthony cho biết. Ông thừa nhận cộng đồng quốc tế đã chậm trễ trong ứng phó với thảm họa dịch bệnh tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến.
|
Ông Anthony Banbury cảnh báo nguy cơ Ebola lây qua không khí sau khi biến thể. Ảnh: Onenewspage |
Bình luận trên được đưa ra cùng lúc các tổ chức quốc tế đang nỗ lực chống lại khủng hoảng mang tên Ebola tại Tây Phi cảnh báo, cộng đồng thế giới chỉ có 4 tuần nữa để ngăn virus lan rộng trước khi dịch hoàn toàn vượt tầm kiểm soát. Các nhân viên y tế tại tâm dịch đang chạy đua với thời gian trong sự thiếu thốn trang thiết bị nhiều mặt cùng nỗi lo ngại virus biến thể và lây qua không khí.
Tại hội nghị, nam y tá 29 tuổi Will Pooley cho biết sự “kinh hoàng và đau đớn” khi phải chứng kiến trẻ em đang chết dần vì bệnh dịch nguy hiểm. Anh nhấn mạnh tình trạng này phải chấm dứt “bằng mọi giá”. Pooley là người Anh đầu tiên nhiễm Ebola và đã được điều trị thành công bằng thuốc ZMapp. Anh khẩn thiết kêu gọi chính phủ các nước làm hết mọi khả năng để ngăn Ebola cướp đi sinh mạng nhiều trẻ em nữa.
“Nỗi sợ của tôi chính là sự kinh hoàng và đau đớn của những cái chết ấy. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu chuyện này lặp lại tới một triệu lần, vì thế bằng bất cứ giá nào, chúng ta phải ngăn chặn điều đó”, Pooley chia sẻ khi nhớ lại cái chết của những nạn nhân nhỏ tuổi mà anh đã chăm sóc trong thời gian tham gia cứu trợ tại Sierra Leone.
Anh và Sierra Leone đang triển khai kế hoạch cung ứng một loại phòng khám tạm thời giúp kìm hãm tốc độ phát tán của dịch Ebola hiện tại. Những phòng khám này sẽ cung cấp một vài điều trị cần thiết nếu có, song chủ yếu là đưa người bệnh khỏi nhà, cách xa gia đình, qua đó hy vọng giảm tỷ lệ lây nhiễm.
Sierra Leone là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề vì Ebola, cùng với Guinea và Liberia. Tổ chức Save the Children cảnh báo cứ một giờ quốc gia này lại có thêm 5 ca nhiễm mới song chỉ một số lượng nhỏ bệnh nhân được chăm sóc tại các trung tâm y tế. Các chuyên gia lo ngại dịch bệnh sẽ tiếp tục lan nhanh trừ khi ít nhất 70% người bệnh được cách ly để không lây bệnh cho người khác. Nhiều trung tâm chăm sóc đang được hứa hẹn sẽ đưa vào sử dụng, nhưng có thể phải mất vài tuần hoặc vài tháng nữa.
Tới nay, Tổ chức Y tế thế giới WHO ước tính đã có hơn 3.300 người đã tử vong trong tổng số hơn 7.000 ca nhiễm, biến đợt bùng phát hiện nay trở thành đại dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử.
Mới đây, trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên bên ngoài châu Phi đã được ghi nhận tại Mỹ. Bệnh nhân là một người đàn ông giấu tên về Mỹ từ Liberia để thăm gia đình, đang được điều trị cách ly tại bệnh viện ở Dallas (bang Texas, Mỹ) trong tình trạng nguy kịch. Giới y tế Mỹ được cho là đang rà soát và giám sát hơn 100 người đã tiếp xúc với bệnh nhân để theo dõi các triệu chứng bệnh, trong số này có 5 trẻ em.
VN Express - Khánh Hà (Theo Onenewspage)
Comment from Facebook
Feedback